Link để chúng ta vào kiểm tra khối lượng vốn từ: lazzybee.com
Chú ý: bài viết này mang tính cá nhân do đây là cách riêng mình học từ vựng. Vậy nên nó có thể sẽ không hợp với những bạn khác.
a. Tại sao chúng ta lại bị quên từ vựng
Tập tính của con người là theo thói quen, vậy nên bộ não chúng ta hoạt động theo cơ chế vòng lặp. Nói cách khác, lâu không có sự lặp lại ở từ vựng là tự khắc não chúng ta sẽ quên. Bên cạnh đó, cơ chế tập trung cũng khiến chúng ta quên ngay những thứ gì không được ưu tiên. Chính vì vậy kể cả khi vừa nhìn thấy từ vựng, ngay sau đó một thoáng thôi bạn cũng đã quên rồi. Điều này thực ra rất là bình thường với bất cứ ai.
Vì vậy, điều đầu tiên mình cần bạn phải hiểu đó là: nếu không có Repetition, tức là sự tiếp xúc với từ vựng qua nhiều lần, thì sẽ không bao giờ não bạn có thể nhớ được từ vựng mãi mãi, bất kể là bạn có dùng cách nào đi nữa.
b. Đừng ép bản thân phải nhớ từ vựng
Có rất nhiều cách để bạn tự tạo ra sự lặp lại về từ vựng cho bản thân. Nhưng đa phần người học thường có xu hướng tạo ra một bảng từ vựng, và hằng ngày cố gắng nhìn vào đó nhiều nhất có thể. Mình nói đúng chứ?
Việc này suy cho cùng không hiệu quả, vì bảng từ vựng tích nhiều rồi cũng đầy và sẽ mất thời gian để hằng ngày cố nhìn vào nó. Hơn thế, việc nhìn và cố học thuộc lòng từ vựng đồng nghĩa với sự nhàm chán, và càng bắt não phải nhớ từ vựng thì nó càng mau quên. Và cuối cùng, con người có cảm xúc, vì vậy học từ vựng một cách khô khan qua việc cố gắng học thuộc không có tác dụng do chúng ta không có cảm xúc, hứng thú với việc đó.
Vì vậy, điều thứ 2 mặc dù nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là: mình không bao giờ cố nhớ từ vựng. Thậm chí, mình không quan tâm tới việc học từ vựng.
c. Tạo ra Repetition
Vậy chìa khoá giúp mình có nhiều từ vựng đó là: Đọc thật nhiều, chỉ có đọc, hơn 60% thời gian học tiếng Anh hay IELTS từ trước tới giờ của mình chỉ có đọc, thậm chí có những ngày nghỉ mình đọc hơn 10 tiếng, và vốn từ vựng của mình lên rất nhiều. Bởi vì:
Việc đọc giúp chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều từ vựng hơn, có tần suất lặp lại với những từ mình đã tra cứu và hiểu được ý nghĩa. Đặc biệt, đọc nhiều khiến mình gặp được những cách dùng hoàn toàn khác của những từ đã biết, vì rõ ràng là một từ có rất nhiều cách dùng và các ý nghĩa khác nhau.
Hiển nhiên, khi đọc mình gặp từ mới và phải tra từ điển để hiểu nghĩa của nó trong văn cảnh ấy. Và cũng rõ ràng, mình sẽ quên từ đấy ngay sau đó, vì mình có quan tâm tới việc phải học nó đâu. Nhưng việc đọc liên tục cho mình gặp từ vựng ấy lần thứ 2, thứ 3 ... thứ n. Thực ra, tới lần thứ 3 thứ 4 bắt gặp từ đó mình vẫn phải tra từ điển, thậm chí tra cùng một cách dùng. Nhưng điều tuyệt vời là tới lần thứ 5 hoặc thứ 6, mình không phải tra từ điển nữa. Tới lúc này, từ vựng đó đã được lưu tự động vào trí nhớ của bạn. Và hãy tiếp tục đọc, đừng dừng lại. Vì bạn gặp từ đó tới lần thứ 10, tự khắc nó đã trở thành từ vựng chủ động của bạn. Tức là bạn muốn sử dụng nó bất cứ lúc nào khi nói, hay viết đều được.
d. Tổng kết
Tóm lại, mình tằng vốn từ bằng cách không học từ vựng, chỉ có đọc, và đọc liên tục. Từ điển cứ thế mà sẽ được dùng tới mức cả nghìn lần trong một ngày.
Tới đây, chắc chắn các bạn sẽ hỏi mình đọc gì? Tài liệu nào?
Câu trả lời là đọc SÁCH, không phải là bài đọc IELTS, chẳng phải báo chí hay nguồn bí mật nào, mà là sách. Có gì đâu, bạn thích ai đó, hãy tìm Biography của họ mà đọc, bạn thích bộ phim nào thì tìm bản sách của nó (hoặc screenplay) để đọc lại. Gì chứ sách thì vô vàn.
Ví dụ đợt dịch 2 tháng vừa rồi mình tranh thủ để try-hard, đã đọc được những cuốn sau đây:
Bộ 3 tiểu thuyết: the Sympathizer, the Refugees, the Committed của nhà văn Nguyễn Thanh Việt (người mỹ gốc Việt)
Biography Becoming của Michelle Obama
Đang đọc: Into thin air của Jon Krakauer
Hi vọng bài viết tạo động lực đọc thật nhiều được cho các bạn đang chật vật với việc học từ vựng.
--------------
IELTS Nghĩa Phan
Comments